Sau khi tốt nghiệp lớp 12 tôi quyết định thi vào Trường
Nghệ thuật sân khấu 2. Thời đó, quyết định thi vào một trường “nghệ sĩ”
như vậy đối với một người con trai sống ven sông Trà Khúc là cả một
chuyện động trời, vì người dân ở đây chỉ quan niệm “nhất y nhì dược…”.
Không mấy người đồng tình, trừ người bạn thân của tôi và tôi quyết tâm ra đi.Vào Sài Gòn, tôi đến chỗ trọ của bạn tôi tận bên Bà Chiểu. Người quen của nó cũng khó khăn lắm mới chấp nhận cho tôi ở chung. Đêm đến hai đứa ngủ trên một căn gác xép nhỏ đầy mùi ẩm mốc.
Ngày ngày hai đứa đèo nhau trên chiếc xe đạp. Đến trường sân khấu, nó thả tôi ở đó rồi đạp tiếp đến tận công viên Phú Lâm - nó học trường thủy sản. Tôi vào trường tò mò xem các thí sinh luyện tập trước ngày thi.
Tôi chưa thấy có trường nào mà không khí chuẩn bị thi lại vui như trường này. Và cũng chưa có trường nào lại tuyển ít người nhập học như trường này. Lúc đó mỗi năm trường chỉ tuyển khoảng 20 sinh viên chính thức cho từng bộ môn dành cho các thí sinh cư trú từ Đà Nẵng trở vào.
Vì môn năng khiếu là quan trọng nhất, hệ số 2, nên các thí sinh phải luyện thi mới mong đạt kết quả tốt. Trời ạ! Có thi được không? Cứ nghĩ đến cái giọng nói trọ trẹ miền Trung thì tôi thấy chữ “rớt” to đùng ngay trước mặt!
Đêm, tôi trao đổi với nó bao nhiêu suy nghĩ trên. Nó nói “tao ngoại đạo”. Khi nhờ nó tập “kịch” với tôi rồi vô trường thi giùm thì nó lại la lên: “Tao là dân gốc rạ, giờ đi học toàn biển cả, mắm muối, mày bắt diễn kịch là diễn cái gì?”.
Quá bực tôi nói lại: “Tao cũng gốc rạ sao mày động viên đi thi đờn ca xướng hát?”. Nó cũng biết là ở Sài Gòn này ngoài nó ra tôi không có ai là bạn. Đêm đó hai đứa không ngủ. Sáng hôm sau nó chở tôi đến trường và trước khi đi nó còn động viên rằng tôi sẽ làm được.
Ngày tôi thi là ngày nó đi thực tập. Buổi tối trước ngày thi tôi lục tục chuẩn bị những thứ đạo cụ cho bài thi tiểu phẩm nào là búp bê, bình bông, sách vở... Nó cũng không ngủ được vì mai tôi thi mà nó không làm cổ động viên được nên cũng đâm ra buồn buồn, lo lo. Nó ngồi dậy đưa tôi cái quần jean mới màu xanh, nói: “Tao lãnh học bổng, vừa mới mua, mai đi thi mặc cái này cho đẹp trai chút. Nghệ sĩ gì mà ăn mặc quê trớt!”.
Thi xong tôi về quê và vùi đầu với đồng áng, trâu bò, sông núi. Lo quá, chẳng biết có đậu không. Vừa sợ không đậu vừa sợ giấy báo sẽ không về đến quê đành bỏ lỡ một đời mơ ước làm nghệ sĩ. Nên nó ở lại với nhiệm vụ tối cao là lên trường để “canh” kết quả thi của tôi.
Đã mấy tháng qua mà không có tin tức gì... Tôi biết mình đã thất bại! Cố quên ước mơ của mình, tôi tiếp tục “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Tôi làm thật nhiều để không còn thời gian nghĩ đến thất bại này nữa.
Một hôm cả nhà tôi đang làm cỏ lúa ngoài đồng thì từ trên bờ ruộng cao nơi có dãy tre làng nhô ra ngoài đồng, bỗng từ xa tôi nhìn thấy thằng bạn băng băng chạy xuống những bờ ruộng, đến đám lúa của tôi vừa chạy nó vừa hổn hển: “Đậu rồi! Về ăn mừng, Ba ơi!”. Nó “bay” xuống ôm tôi, hai đứa quần nát một khoảng ruộng. Khi nghe tôi trách sao để chờ lâu, nó nói: “Không có tiền sao về được! Định chờ kiếm tiền rồi chạy về luôn thể, nhưng sợ mày mong nên tao đã bán cái quần jean lấy tiền mua vé xe dọt về...”.
Giờ tôi đã là một nghệ sĩ, những công sức nhỏ nhoi của tôi cũng đã được xã hội ghi nhận và may mắn là tôi được đi đây đi đó hết trong nước rồi lại công tác nước ngoài. Mỗi lần trên những chuyến bay xa lúc nào tôi cũng nghĩ đến hình ảnh người bạn tôi với tấm giấy báo trên tay chạy băng qua những đám ruộng, rồi hình ảnh của chiếc quần jean với cái “giá” của chiếc vé xe...
Những hình ảnh đó đã cho tôi vóc dáng của ngày hôm nay và tất cả đã cho tôi chiếc vé bước vào đời thật vững chãi. Cuộc đời của mỗi con người có những tài sản, nhưng với tôi, tình bạn là một trong những thứ tài sản quí giá nhất.
Theo TTO
Cuộc đời của mỗi con người có những tài sản, nhưng với tôi, tình bạn là một trong những thứ tài sản quí giá nhất.
Trả lờiXóa