Muối là con bé học chung lớp với tôi, nó không có cha.
Người mẹ xấu số sau khi sinh Muối đã trầm mình xuống biển. Bà ngoại đem
nó về nuôi giữa gian nhà trống hoe hoắt. Tôi chẳng biết mình thân với
Muối từ khi nào. Chỉ nhớ rằng lúc hai đứa bắt đầu biết chạy những bước
đầu tiên trên cát để chơi trốn tìm thì hai gia đình đã ở sát vách như
trong truyện cổ tích. Tôi thường chết trân vì nụ cười trong vắt của
Muối.
Xóm nằm gối đầu vào núi, ngó ra phía trước là biển mênh mông. Ở đây,
mọi thứ đều nghèo, trừ cát và gió. Mấy chục ngôi nhà lụp xụp tựa sát
nhau mọc trên nền cát, hệt nhát vẽ nhếch nhác của một hoạ sĩ lên toan
giấy trắng tinh. Xa xa, những con sóng đuổi nhau chạy lô xô về tận chân
trời như chẳng biết mỏi mệt. Từ ngày mẹ tôi theo những cánh hải âu trôi
về thế giới bên kia, tôi thường tự hỏi mình rằng có gì ở phía biển trời
thăm thẳm ấy? Hay là một thứ ánh sáng đẹp đến mê hoặc đang chờ tôi lớn
lên và khám phá?Muối là con bé học chung lớp với tôi, nó không có cha. Người mẹ xấu số sau khi sinh Muối đã trầm mình xuống biển. Bà ngoại đem nó về nuôi giữa gian nhà trống hoe hoắt. Tôi chẳng biết mình thân với Muối từ khi nào. Chỉ nhớ rằng lúc hai đứa bắt đầu biết chạy những bước đầu tiên trên cát để chơi trốn tìm thì hai gia đình đã ở sát vách như trong truyện cổ tích. Tôi thường chết trân vì nụ cười trong vắt của Muối.
Tôi bảo với thằng Phát: “Muối đẹp nhất xóm này, lớn lên thế nào tao cũng phải lấy nó làm vợ”. Phát giựt que kem mát lạnh trên tay tôi, cười nham nhở: “Đứa ngốc như mày thì con Muối có mà thèm vào”. Trò rượt đuổi diễn ra. Bao giờ phần thắng cũng thuộc về thằng nhóc bự con ấy. Và bao giờ cũng chỉ mình tôi nằm chỏng chơ trên bãi cát, tự giận mình sao không khỏe bằng người ta. Muối đến bên. “Muối này…”, tôi ho khan một tiếng rõ to. Con bé quay lại: “Có chi không anh?”. “À…ừm…ý tôi là…là…”. Chừng như sốt ruột vì cái kiểu cà giựt của tôi, Muối nhìn tôi trân trân: “Có chi thì anh nói đi!”. “Ý tôi là Muối có yêu…yêu…, ừm, có yêu biển không?”. “Tưởng chuyện gì”, con bé dịu dàng vuốt tóc, “Muối yêu biển lắm”. “Vì sao?”.Muối nhìn ra biển, mắt nó buồn buồn: “Vì mẹ Muối ở ngoài kia, dưới lớp sóng xanh vô cùng vô tận ấy”. Tôi rủa mình sao ngốc ơi là ngốc, nỡ chạm đến nỗi đau bấy lâu trong lòng Muối. “Xin lỗi…”, tôi cúi gằm mặt tỏ vẻ hối hận. “Không có chi, mà anh Hải có yêu biển không?”. “Có, tôi yêu biển nhiều lắm, như cha tôi vậy”. “Vậy anh Hải hứa sẽ ở mãi suốt đời bên biển, chịu không?”. “Ừ, tôi hứa”. Muối lại cười, nó khua khua tay trong làn nước biếc. Có lẽ với chúng tôi, được sinh ra và lớn lên ở xóm chài này là niềm hạnh phúc lớn lao nhất trong đời. Cha tôi thường bảo đất xứ này thiêng lắm, ai mà phụ nó thì biển sẽ không bao giờ tha thứ. Mãi đến sau này, khi đi qua biết bao ngã đường rộng rãi, gặp biết bao con người không mang màu da bánh mật như cha, tôi mới thấm thía hết lời cha nói. Còn bây giờ, tôi mãi ngắm bầu trời. Trên cao, những cụm mây màu bông gòn đã kết thành vô số hình thù ngộ nghĩnh. Chúng đẹp như tuổi mười lăm của tôi.
Không hiểu vì sao thằng Phát biết được tôi và Muối thường ngồi nói chuyện trên bãi cát mỗi độ chiều về. Nó đem chuyện ấy đi rêu rao khắp xóm. Thậm chí còn đặt thành bài vè rồi dạy bọn con nít trong xóm học thuộc. Mỗi lần đi ngang nhà tôi, chúng vừa cười hô hố vừa rao lên với vẻ khoái chí: “Nghe vẻ nghe ve. Nghe vè thằng Hải. Hẹn hò con Muối. Yêu thương đắm đuối. Như vợ như chồng…”. Tôi ngồi trong nhà giận không chịu được. Muối biết chuyện bảo tôi: “Anh Hải đừng để ý tới bọn chúng. Muối với anh không có gì là được rồi”. Tôi hỏi Muối: “Bộ tôi không là gì với Muối hết sao?”. “Thì anh là bạn thân nhất của Muối chứ là gì?”. “Chỉ là bạn thôi sao?”. Muối nhìn tôi ngạc nhiên: “ Hồi nào đến giờ tụi mình cũng vậy mà”. Tôi quay mặt bỏ đi. Không dưng tôi giận cả Muối. Lẽ nào Muối không hiểu lòng tôi? Cũng có thể Muối hiểu, nhưng Muối chỉ xem tôi là một đứa bạn không hơn không kém. Chắc tại tôi nghèo, không mua nổi cho Muối cái kẹp tóc xanh xanh đỏ đỏ như trong mấy cuốn tiểu thuyết người lớn. Hay tại tôi xí trai, không cao lớn đẹp đẽ như thằng Phát. Mà tôi xấu thiệt. Cái mũi thấp tẹt, hai mắt thô lố, trái hẳn với gương mặt cương nghị tuấn tú của cha. Hèn gì Muối không thích tôi. Đêm ấy, tôi mãi ngắm mình trong gương. Thằng con trai trong gương nhìn tôi chế giễu. Nó trề môi bảo: “Mày thất bại rồi Hải ơi, Muối chưa từng thích mày!”. Điệp khúc ấy như tràng cười khiêu khích của bọn thằng Phát, cứ vọng mãi trong đầu. Cuối cùng, tôi thiếp đi lúc nào không biết. Trong mơ, Muối bỏ tôi đi về phía biển. Muối đi thật. Nhẹ bỗng.
Tôi hẹn thằng Phát ra căn nhà hoang cuối xóm. Dù Muối không thích tôi, dù tôi có yếu hơn thằng Phát chục lần đi nữa, thì tôi vẫn phải giải quyết mọi “ân oán” với nó. Thằng Phát bắt đầu đọc bài vè quen thuộc. Từng chữ, từng chữ bóp nát trái tim tôi. Tôi thấy mắt mình hoa lên, rồi lao vào thằng Phát lúc nào không rõ. Hai đứa lăn cù trên cát. Chút tự kỷ của thằng con trai mới lớn bảo tôi chẳng việc gì phải sợ nó. Tôi quên đi mình là đứa thấp con yếu ớt, đấm túi bụi vào mặt nó. Chợt, ai đó giằng tôi ra. “Con Muối đến kìa. Rút, tụi bay ơi!”, một thằng trong đám đứng xem la lên. Bọn chúng kéo nhau chạy trốn, để lại tôi ê ẩm trên nền gạch. Bây giờ tôi mới nhận ra hai vai mình đau điếng. Muối ôm mặt rưng rức. Nó giận dỗi: “Anh tưởng vậy là hay lắm sao?”. Tôi ngẩn người ra, chẳng biết làm sao khi thấy Muối khóc. Hồi lâu sau nó bảo: “Anh Hải mà có chuyện gì thì lấy ai ngắm biển với Muối nữa?”. Tôi vò đầu: “Chỉ tại thằng Phát làm quá, tôi không chịu được”. “Thôi, tụi mình về kẻo chú Ba trông, anh hứa sẽ mãi mãi ngắm biển cùng Muối nha”, Muối nắm lấy tay tôi, dĩ nhiên là tôi hứa.
Hai tháng sau, cha gửi tôi ra Bắc ở với chú Tư để học tiếp cấp III. Tôi không ngờ mình lại xa Muối, xa cái xóm chài nghèo khổ lâu đến vậy. Thi thoảng tôi định viết thư cho Muối. Nhưng rồi phần vì bài vở bận rộn, phần vì những trò vui của bọn nhóc thành thị cực kỳ hấp dẫn với một đứa mới lớn nên cảm giác ngồi vào bàn và viết cho Muối là một cực hình. Những cánh thư thưa dần. Cuối cùng hình ảnh một con bé với nụ cười rạng rỡ và cái trán nhô cao bướng bỉnh nhoè phai hẳn đi. Thay vào đó là những cô bạn thành phố có gương mặt kẹo ngọt khác. Tôi là đứa chóng quên, hệt như đứa trẻ nhận được phong kẹo chocolate hôm nay lại bẵng đi mùi vị giòn giòn, beo béo của chiếc bánh khọt hôm trước. Phải, lúc nào tôi cũng hy vọng sẽ đổi đời bằng thứ ánh sáng phù phiếm xa hoa của chốn thị thành.
Chiếc ôtô bóng lộn đỗ xịch trước con hẻm dẫn vào xóm chài. Cô bạn người thành phố nép vào tôi như sợ cái nắng chang chang đổ lửa. Gần sáu năm trời, tôi mới về lại mảnh đất nơi mình được sinh ra và lớn lên. Xóm chài bây giờ khác nhiều. Những dãy nhà ngói mới mọc lên san sát. Cha tôi đã già nua, vai Người còng rạp như nhánh cây khô. Còn ngôi nhà sát bên, người ta cất lên một tiệm tạp hoá. Cô chủ hai mươi tuổi đứng chào khách bằng nụ cười rạng rỡ. Cô cũng khác đi, duy chỉ có nụ cười và cái trán bướng bỉnh là không bao giờ thay đổi.
“Xin lỗi, cho tôi hỏi ở đây có ai tên Muối không?”
Cô khựng người trước câu hỏi của tôi, nhưng rồi kịp thấy bên cạnh còn có người khách lạ, cô đáp bằng giọng run run: “Không, Muối đã đi, rất lâu rồi anh ạ”
“Đi đâu?”, tôi giật mình thảng thốt.
“Về với biển”
“Cô có yêu biển không?”
“Muối thì có, nhưng tôi thì không”
“Vì sao?”
“Vì biển đã cướp mất mẹ tôi. Còn lời hứa của người bạn trai thuở nhỏ đã bị sóng cuốn phăng ra tận khơi xa”
Tôi đứng ngẩn người trên cát mà nghe lòng nhói đau. Miền ký ức ngày xưa hiện về, hiền hoà trong trẻo vô ngần. Cuối cùng tôi vẫn nợ Muối và nợ chính mình một lời hứa. Ngày trở về, từng lớp sóng đuổi nhau chạy mãi, chạy mãi như kiếm tìm những điều kỳ diệu phía đường chân trời. Phải, biển muôn vẫn thế, rộng rãi và bao dung. Chỉ có tôi, trong khoảnh khắc nào đó giữa cuộc đời, chợt trở nên xa lạ với bản thân.
LÊ VĂN LÂM (SV ĐH KINH TẾ TPHCM)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét